Phát triển Mikoyan-Gurevich MiG-21

MiG-21UM hai chỗ ngồi, Không quân Ba Lan

Máy bay tiêm kích phản lực MiG-21 là mẫu máy bay nối tiếp trong chuỗi những máy bay tiêm kích phản lực của Liên Xô, bắt đầu từ máy bay tốc độ cận âm MiG-15, MiG-17, và trên tốc độ âm thanh một chút MiG-19. Một số thiết kế thử nghiệm đạt tốc độ Mach 2 của Liên Xô đều dựa vào thiết kế khe hút không khí ở đầu mũi với cánh xuôi sau, như Sukhoi Su-7, hay kiểu cánh tam giác, trong đó MiG-21 là thiết kế thành công nhất.

Nguyên mẫu E-5 của MiG-21 thực hiện bay lần đầu tiên vào năm 1955 và thực hiện chuyến bay trước công chúng lần đầu tiên trong Ngày hàng không Xô viết tại Sân bay Tushino Moskva vào tháng 6-1955. Nguyên mẫu cánh tam giác đầu tiên, có tên gọi là Ye-4 (hay E-4) bay vào ngày 14 tháng 6-1956, và chiếc MiG-21 thành phẩm đầu tiên bắt đầu phục vụ vào năm 1959. Với một cấu hình cánh tam giác, MiG-21 là máy bay đầu tiên của Liên Xô thành công trong việc kết hợp giữa tính năng của máy bay tiêm kíchđánh chặn trong cùng một máy bay. Đây là một máy bay chiến đấu có trọng lượng nhẹ, đạt được đến tốc độ Mach 2 với một động cơ phản lực đốt nhiên liệu phụ trội có công suất nhỏ, và MiG-21 có tính năng tương đương với loại F-104 Starfighter của MỹDassault Mirage III của Pháp.

Khi MiG-21 lần đầu tiên được đưa vào hoạt động, nó đã bộc lộ vài điểm bất thường. Những tên lửa không đối không phiên bản ban đầu của nó là Vympel K-13 (tên ký hiệu của NATO AA-2 'Atoll'), không thành công trong các trận chiến, và thiết bị ngắm súng con quay hồi chuyển thường dễ bị hỏng khi cơ động ở tốc độ cao, dẫn đến phiên bản ban đầu của MiG-21 là một máy bay không mấy hiệu quả. Những vấn đề này đã được sửa chữa, và trong thời gian diễn ra Chiến tranh Việt Nam và các cuộc xung đột ở Trung Đông, MiG-21 đã tỏ ra là một máy bay rất hiệu quả. Mẫu MiG-21 tiếp theo thêm vào những thiết kế cải tiến thu được từ kinh nghiệm trong các cuộc chiến.

MiG-21M tại bảo tàng Berlin-Gatow

Như nhiều máy bay khác được thiết kế như những máy bay tiêm kích đánh chặn, MiG-21 có tầm hoạt động ngắn. Thêm vào đó, thiết kế của MiG-21 có một khuyết điểm, đó là các thùng nhiên liệu bên trong lại đặt trước trọng tâm máy bay. Điều này dẫn đến việc khi nhiên liệu tiêu hao, trọng tâm máy bay sẽ bị chuyển về phía sau. Hậu quả là làm cho máy bay khó kiểm soát, dẫn đến máy bay chỉ bay được 45 phút trong điều kiện tốt. Việc máy bay cơ động khó kiểm soát còn làm cho nhiên liệu khó vào động cơ hơn, gây ra khả năng động cơ bị ngưng.[2] Với thiết kế cánh tam giác, MiG-21 thể hiện đây là một máy bay đánh chặn có tốc độ bay lên xuất sắc, song thiết kế này cũng có nghĩa là với bất kỳ kiểu đổi hướng không chiến nào đều dẫn đến việc mất tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên, trọng tải nhẹ của máy bay lại giúp cho nó, với 50% nhiên liệu và 2 tên lửa Atoll, trần bay cao 58.000 ft (17.670 m) một phút là có thể đạt được, điều này hơn hẳn so với F-16A được chế tạo sau này. MiG-21Bis với động cơ R25-300 cho tốc độ bay đạt tới 2.228 km/h (Mach 2,05), leo cao 225 m/s, trần bay 17,8 km. Các thông số này không thua kém nhiều loại tiêm kích thế hệ 4 ra đời sau nó 30 năm. Một phi công lão luyện, với chiến thuật hợp lý và những tên lửa tốt trên MiG-21 có thể đạt được những thành tích ngang ngửa với những máy bay tiêm kích hiện đại.

Sau đó, MiG-21 được thay thế bởi những chiếc MiG-23MiG-27 cánh cụp cánh xòe cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất. Tuy nhiên, không phải đến khi MiG-29 thay thế cơ bản những chiếc MiG-21 trong biên chế của Liên Xô như một máy bay không chiến cơ động cao thì nó mới có thể chống lại những kiểu máy bay chiếm ưu thế trên không của Mỹ, mà bản thân MiG-21 vẫn có thể chiến đấu chống lại các máy bay hiện đại của Mỹ mặc dù đã lỗi thời.

MiG-21 được xuất khẩu rộng rãi và tới năm 2010 nó vẫn tiếp tục được sử dụng tại nhiều nước, mặc dù khi đó nó có thể bị xem là đã lỗi thời. Chiếc máy bay này có hệ thống điều khiển, động cơ, vũ khí và điện tử đơn giản so với tiêu chuẩn ngày nay, điển hình cho thiết kế quân sự của thời kỳ cuối thập niên 1950. Do thiếu những thông tin ban đầu đáng tin cậy về MiG-21, những chi tiết ban đầu của nó thường gây nhầm lẫn với máy bay tiêm kích tương tự của Sukhoi cũng đang phát triển cùng thời điểm. Tạp chí Jane's All the World's Aircraft 1960-1961 đã nhầm lẫn khi miêu tả MiG-21 "Fishbed" như một thiết kế của Sukhoi, và sử dụng hình minh họa của Su-9 'Fishpot'.

Sản xuất

MiG-21UM Lancer B của Romania

Tổng cộng đã có 10.158 (một số nguồn nói 10.645) chiếc MiG-21 được chế tạo tại Liên Xô. Chúng được sản xuất tại 3 nhà máy, ở GAZ 30 tại Moskva (hay còn gọi là Znamiya Truda), tại GAZ 21 ở Gorky[3] và tại GAZ 31 ở Tbilisi. Kiểu "MiG" được sản xuất cũng khác nhau theo từng nhà máy. Nhà máy ở Gorky chế tạo MiG-21 một chỗ cho quân đội Xô viết. Nhà máy ở Moskva chế tạo MiG-21 một chỗ cho xuất khẩu và nhà máy ở Tbilisi chế tạo MiG-21 hai chỗ cho cả xuất khẩu và quân đội Xô viết. Tuy nhiên, có ngoại lệ. MiG-21R và MiG-21bis dành cho xuất khẩu và cho Liên Xô cũng được chế tạo tại Gorky, 17 chiếc MiG-21 một chỗ cũng được chế tạo tại Tbilisi (MiG-21F), MiG-21MF được chế tạo đầu tiên tại Moskva và sau đó là Gorky, và MiG-21U được chế tạo tại Moskva cũng như tại Tbilisi. Như vậy mỗi nhà máy chế tạo MiG-21 với số lượng như sau[4]:

  • 5.278 chiếc (hay 5.765 chiếc) tại Gorky
  • 3.203 chiếc tại Moscow
  • 1.677 chiếc tại Tbilisi

Ngoài ra còn có 194 chiếc được sản xuất tại Tiệp Khắc, 657 chiếc sản xuất tại Ấn Độ, hàng ngàn chiếc được chế tạo tại Trung Quốc với tên gọi J-7.

Giá thành

MiG-21 có giá rất rẻ khi so sánh với máy bay cùng thời, trong khi hiệu quả chiến đấu lại cao. Giá mỗi chiếc MiG-21MF thậm chí còn rẻ hơn một chiếc xe thiết giáp BMP-1[5]. Ngay cả phiên bản MiG-21FL (phiên bản sản xuất tại Ấn Độ) cũng chỉ có giá chỉ khoảng 2 triệu USD (thời giá năm 1974), dù phiên bản này bị đội giá cao hơn so với các phiên bản gốc của Liên Xô (do phải tính thêm chi phí vận chuyển linh kiện, tiền bản quyền...)

Mỗi chiếc F-4 Phantom của Mỹ có giá đắt gấp mấy lần một chiếc MiG-21[6]. Ngay cả tiêm kích hạng nhẹ F-5 Freedom Fighter của Mỹ (đối thủ thiết kế của MiG-21) cũng đắt gấp đôi MiG-21

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mikoyan-Gurevich MiG-21 http://www.airforce-technology.com/projects/mig21/ http://www.avijacijabezgranica.com http://www.avijacijabezgranica.com/ http://www.bdmilitary.com/forum/index.php?showtopi... http://bharat-rakshak.com/IAF/History/1971War/Soni... http://www.defense-update.com/news/lancer.htm http://theaviationist.com/2014/05/02/cope-india-20... http://www.warbirdalley.com/mig21.htm http://www.worldairforces.com/ http://www.worldairforces.com/Countries/countriesi...